PV:Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày naylựa chọn ra môi trường nước ngoài để học tập, làm việc. Nhiều bạn nhận được học bổng đi du học và không muốn trở về đất nước.Giáo sư đánh giá điều này như thế nào và theo ông, Việt Nam nên làm gì để giữ chân và phát huy năng lực người tài?
GS Trần Thanh Vân: Trước hết, chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng trình độ khảo cứu của một số trường đại học ở Việt Nam không được cao lắm. Ở chúng ta cũng không tạo môi trường cạnh tranh nhiều cho các em.Ở nước ngoài, các em có bằng tiến sỹ rồi thì phải bước ra đi tìm một công việc, chức vị phù hợp.Trong khi ở mình, trong lúc các em đi học đã hứa hẹn trở về sẽ có chức vị nào đấy.Như thế, nó thiếu tính cạnh tranh.Nếu sống trong một chế độ không có cạnh tranh thì không tiến lên được.Đối với chuyện về nước, tôi nghĩ một số đông tiến sỹ khoa học cũng rất muốn về.Tuy nhiên, một tiến sỹ về đây lương khởi đầu là 3.500.000 đến 4.000.000 đồng.Như thế không thể đủ sống được. Khi đó họ phải đi làm thêm, dạy thêm,…khiến đầu óc bị chi phối, không làm khoa học được. Do vậy một số muốn ở lại ngoại quốc vì họ muốn chuyên tâm cống hiến cho khoa học. Trước đây, bên Trung Hoa, Hàn Quốc,… không ai về cả. Sau đó chính phủ của họ có chính sách thu hút các nhà khoa học trở về với mức lương hợp lí. Nhưng đó là câu chuyện của Chính phủ Việt Nam, tôi cũng không biết được.Tôi chỉ nhấn mạnh muốn có người làm việc cho mình thì phải để họ đủ sống trước đã.Tôi nghĩ, chuyện quan trọng là phải làm sao để truyền ngọn lửa yêu khoa học, đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.
PV: Thưa giáo sư, nói về đam mê, rất nhiều người trẻ hiện nay băn khoăn về việc nên chọn theo đuổi đam mê hay làm một công việc theo nguyện vọng của gia đình, kiếm được nhiều tiền là đủ. Theo GS, điều gì quan trọng hơn với một người trẻ: đam mê hay tiền bạc?
GS Trần Thanh Vân: Tôi nghĩ 90 - 99% người hiện nay muốn yên ổn, tìm công ănviệc làm ổn định, có lợi nhuận. Họ làm việc tốt thì tất nhiên sẽ đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.Đó là điều bình thường.Tôi nghĩ, trong thế hệ chúng ta, nếu có 1 người trong 1000 người hơi điên cuồng để đi theo tư tưởng của họ, ham mê của họ mà không nghĩ đến chuyện khác là tốt lắm rồi. Đam mê là hết sức quan trọng vì khi đam mê mình sẽ làm những chuyện mà người ta không bao giờ nghĩ tới. Chúng ta cần ủng hộ, tạo điều kiện cho họ, nhất là những người theo đuổi khoa họcbởi tôi nghĩ khoa học cơ bản rất quan trọng. Chỉ có những nhà khoa học cơ bản mới đưa lại các cuộc cách mạng hoàn toàn, những con đường mới.
PV:Vậy ngoài sự đam mê của mỗi cá nhân, để có được thành công, nhất là thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, điều gì là quan trọng nhất với người trẻ, thưa ông?
GS Trần Thanh Vân: Phải để cho người trẻ thực hiện được ham mê của họ. Muốn thế họ phải có đời sống đầy đủ chứ không thể nào bắt họ vừa ham mê vừa chạy đi tìm tiền để sống được. Ngoài ra, họ cần được tự do tư tưởng.
PV: Giáo sư có tin tưởng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và tương lai sẽ tạo ra những bước đột phá về khoa học, ngay trên chính quê hương mình hay không?
GS Trần Thanh Vân: Tôi thấy Việt Nam có rất nhiều người trẻ thành đạt, trở thành ngôi sao sáng trên thế giới như GS Ngô Bảo Châu, GS Đặng Thanh Sơn,...Ở đây cũng vậy, rất nhiều em có tiềm năng nhưng các em cần sự hỗ trợ trước hết là tinh thần, sau là vật chất của lãnh đạo.Nếu không có sự đầu tư, quan tâm thì không thể phát triển được.
PV:Trên chặng đường của mình, ông luôn có sự đồng hành của người vợ, nữ GS Lê Kim Ngọc. Tôi đã từng được nghe, người ta gọi vợ chồng giáo sư là “Cặp vợ chồng phi thường.” Với những người trẻ, sống trong một xã hội mà tình yêu và gắn kết gia đình rất mong manh như hiện nay, điều đó quả thực khiến chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.Vậy ông có thể chia sẻ điều gì đã giúp cho ông bà luôn giữ được tình yêu và sự gắn kết tuyệt vời đó không ạ?
GS Trần Thanh Vân: Lập gia đình mình luôn phải nghĩ đến chuyện tìm người cùng chí hướng. Phải tìm người cùng nhìn về một hướng với mình, như một nhà văn Pháp đã nói: Tình yêu không phải là hai người nhìn nhau mà là cả hai cùng nhìn về cùng một hướng. Quan trọng là sự đồng hành với nhau.Chúng tôi may mắn là cùng một chí hướng, cùng đam mê khoa học. Quan trọng là sự đồng hành với nhau.Nếu không có người vợ như vậy, tôi không thể làm gì được cả.
PV: Giáo đã có nhiều dịp về và trao học bổng tại Nghệ An. Qua những lần về thăm đó ông có cảm nhận gì về mảnh đất, con người nơi đây và ông có muốn nhắn gửi gì không ạ?
GS Trần Thanh Vân: Nghệ Anlà một nơi có truyền thống giáo dục. Tôi thấy ở đây có nhiều em học giỏi, được các giải quốc gia, quốc tế. Nghệ An nhiều tiềm năng nhưng cũng còn rất khó khăn. Vì thế, chúng tôi rất quan tâm đến mảnh đất này.Như các bạn thấy, năm nay, khi trao học bổng Vallet, chúng tôi chỉ trao 550 suất học bổng cho 25 tỉnh miền bắc trong khi riêng tỉnh Nghệ An có146 suất. Qua đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo Nghệ An sẽ dành sự quan tâm cho giáo dục.
Nghệ An may mắn là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được Nhật Bản đầu tư nhà chiếu hình vũ trụ (năm 1998). Thế mà sau đó lại bán cho doanh nghiệp và doanh nghiệp ấy không khai thác gì cả. Vậy bổn phận của UBND là phải thu hồi lại để khai thác hiệu quả, chứ không thể nói vì khó khăn này, khó khăn khác được. Làm việc gì cũng khó khăn cả.Quan trọng là phải quyết tâm.Tôi mong chúng ta sẽ nêu cao tinh thần giáo dục là trên cả, luôn luôn nhớ không bao giờ bán giáo dục cho doanh nghiệp.Điều này tôi đã nói cách đây nhiều năm nhưng không thay đổi.
PV: Hy vọng, lần này những trăn trở, gửi gắm của GS sẽ được lãnh đạo tỉnh Nghệ An lắng nghe và thực hiện. Thưa giáo sư, điều cuối cùng chúng tôi xin phép được hỏi ông là ông có mong muốn và dự định gì trong tương lai?
GS Trần Thanh Vân: Chúng tôi sẽ nỗ lực để giúp các em ở Việt Nam gặp gỡ các nhà khoa học trên thế giới để khích lệ các em, khiến các em đam mê hơn và đưa chất lượng khoa học ở Việt Nam cao hơn. Đó là lí do ngoài tổ chức trao học bổng, chúng tôi còn xây dựng trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn mà mỗi năm có 1.500 giáo sư ngoại quốc về tham dự hội thảo. Ngoài ra chúng tôi cũng làm một trung tâm khám phá khoa học.Ở đó có nhà chiếu hình vũ trụ, phòng triển lãm để các em đến khám phá, chơi với khoa học; làm sao để các em có cái nhìn khác, chứ không chỉ nhìn tất cả qua tiền bạc, lợi tức.
Xin cảm ơn Giáo sư.Kính chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục đam mê với khoa học và đóng góp cho sự phát triển của KHGD nước nhà.
Thực hiện: Trang Đoan
Nguuonf: vanhoanghean, Chủ nhật, 01 Tháng 10 2017 10:55